Lượt xem: 1267

Giỗ Tổ Hùng Vương - Từ cội nguồn đến bản sắc Việt

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Người Việt luôn tự hào vì cùng chung một dòng máu Lạc Hồng, cùng một bọc Mẹ sinh ra: “Con người có Tổ, có Tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”.



    Khởi nguồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ý thức tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đã thấm sâu vào máu thịt của cộng đồng người Việt, được trao truyền từ đời này sang đời khác. Hình tượng Vua Hùng đã gắn chặt với hồn thiên sông núi, không chỉ bởi lịch sử, mà còn là sự phản chiếu hình ảnh của vị vua khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước, gắn kết lòng người bằng huyết tộc, đồng bào.

    Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng vẫn mãi được trường tồn và lưu truyền qua nhiều thế hệ với sức sống lâu bền, ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và luôn giữ vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt.

    Truyền thuyết tại đền Hùng đã ghi lại: Sau khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, Thục Phán đã dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thề nguyện trọn đời bảo vệ giang sơn, gấm vóc Vua Hùng trao lại và đời đời hương khói trông nom lăng miếu tổ tiên. Ngay từ những năm 40 - 43 (SCN) trong cuộc chiến chống quân Hán xâm lược, nữ tướng Hai Bà Trưng đã đọc lời thề trên cửa sông Hát trước khi xung trận: “Một, xin rửa sạch quốc thù/ Hai, xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”. Giá trị tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc khởi nguồn từ sự khai sinh lập nước của các Vua Hùng được các thế hệ người Việt gìn giữ, tiếp nối và khẳng định như trong Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở”… và cho đến thời đại Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Đoàn dâng hương khởi hành lên núi Nghĩa Lĩnh. Nguồn TTXVN

    Ngày 19-9-1954, sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu Đền Tổ Vua Hùng ở Phú Thọ. Tại Đền Giếng, Người gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong đang trên đường chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước[1].

    Từ khi nước nhà được độc lập, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới truyền thống thờ cúng Vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng Đền Hùng. Kế tục truyền thống cao đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL ngày 18-02-1946”, cho “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” trong 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

    Giỗ Tổ Hùng Vương được Nhà nước chính thể hóa với các quy định về tế lễ, dâng hương, các cơ quan nhà nước chủ trì. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 06-12-2012.

    Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Từ trung tâm thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh đến các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trong nước và cả nước ngoài đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, thành kính, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Đông đảo người dân tập trung về lễ Tổ tại Đền thờ Vua Hùng ở huyện Thới Bình, Cà Mau. Nguồn soctrang online

    Hướng về Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng năm 2020, trong bối cảnh đặc biệt tình hình Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu. Phát huy truyền thống đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động để cùng vượt qua khó khăn, thách thức, như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh”, đó là cách thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, nghĩa tình đồng bào, gắn kết thành một khối, một nguồn cội và một tổ tiên.
Quốc Hùng


Tài liệu tham khảo
* (1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, t.5, tr409-410.
* Đề cương tuyên truyền Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý - 2020, của Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh uỷ Phú Thọ.


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 66
  • Hôm nay: 7082
  • Trong tuần: 77,789
  • Tất cả: 11,801,109